Tên gọi Kana-dehon Chūshingura Chūshingura

Tên gọi "Chūshingura" (trung thần tạng) được giải thích là "một kho (tạng) đầy trung thần", tức khen ngợi 47 nghĩa sĩ Akō là trung thần liệt tử. Nhưng cũng có giải thích cho rằng chữ "tạng" ở đây nhằm chỉ đến Ōishi Kura-no-suke (大石内蔵助 - Đại Thạch Nội Tạng Trợ). Còn vì sao là "Kana-dehon" thì có nhiều giải thích như dưới đây.

  • Bảng chữ cái Kana trong tiếng Nhật gồm 47 chữ, chỉ 47 lãng sĩ Akō. Thực tế cũng có những bức tranh Ukiyo-e vẽ 47 lãng sĩ, mỗi người một chữ cái Kana trên trang phục.
  • Iroha là bài thơ cổ độc đáo, sử dụng hết các chữ cái trong bảng chữ Kana và mỗi chữ chỉ xuất hiện một lần duy nhất. Thật trùng hợp, nếu ngắt từng đoạn 7 chữ trong bài thơ Iroha này sẽ được "toka nakute shisu" (tức "toga nakute shisu - 咎無くて死す) nghĩa là "không có tội mà vẫn chết", chỉ việc 47 lãng sĩ Akō bị buộc phải mổ bụng.[2]
  • Vì lệnh cấm của Mạc phủ, không được sử dụng tên thật của nhân vật nên gọi là Kana.

Từ thời Meiji trở đi, Mạc phủ Edo sụp đổ nên tên nhân vật xuất hiện trong các tác phẩm Chūshingura cũng trở về với tên nhân vật lịch sử, và Chūshingura vẫn được rất nhiều người ưa chuộng. Tháng 1 năm Shōwa thứ 9 (1934), vở kịch "Genroku Chūshingura" thuộc thể loại Shinkabuki của tác giả Mayama Seika với nhiều chi tiết sử liệu điều tra kỹ càng được trình diễn, cũng trong năm đó vở kịch này được đạo diễn Mizuguchi Kenji dựng thành phim điện ảnh vợi sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên Shinkabuki của vở kịch. Trong các thể loại văn nghệ khác như kể chuyện Kōdan, Rōkyoku (hát, kể chuyện với tiếng đệm của đàn Shamisen) thì đề tài Chūshingura cũng rất được ưa chuộng. Trong các tác phẩm này lại chia thành hai nhánh là "Akō gishi-den" (Akō nghĩa sĩ truyện) được xem như là "bổn truyện", nhánh chính, với nội dung là sự kiện lịch sử năm Genroku, và nhánh phụ "Gishi meimei-den" gồm các câu chuyện riêng biệt về từng nhân vật trong số 47 lãng sĩ Akō và những đoạn ngoại truyện.

Sau đệ nhị Thế chiến, nước Nhật bại trận và chịu sự quản thúc của Liên Hợp quốc và tư tưởng, ngôn luận bị kiểm soát gắt gao. GHQ lo sợ rằng phong trào vận động tinh thần dân tộc lên cao nên đã cấm xuất bản, biểu diễn, công chiếu các tác phẩm có đề tài Chūshingura với lập luận "quan niệm đạo đức xã hội phong kiến cản trở quá trình dân chủ hóa" (chuyện báo thù), mãi đến năm Shōwa thứ 22 (1947) lệnh cấm mới được bãi bỏ.

Các lãng sĩ Akō tập kích vào dinh thự Kira vào ngày 14 tháng 12 Âm lịch (chính xác là rạng sáng ngày hôm sau) và cho đến hiện nay, hằng năm khi đến gần ngày 14 tháng 12 Tây lịch thì các đài truyền hình cũng thi nhau phát sóng các bộ phim truyền hình, phim điện ảnh về đề tài Chūshingura. Việc này cho thấy sức nóng của Chūshingura chưa bao giờ nguội. Cho đến ngày nay, hằng năm đều có nhiều bộ phim điện ảnh, truyền hình về đề tài này được chế tác, nhiều vở kịch được viết mới và công diễn. Trong số đó có nhiều tác phẩm phản ánh sử liệu chân thật, trong khi một số khác lại đặt những góc nhìn khác với truyền thống, chẳng hạn xem các lãng sĩ Akō không phải người trung nghĩa, những góc nhìn khác về nhân vật phản diện Kira Kōzuke-no-suke.

Liên quan